Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN A

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - A
Mt 21, 28-32
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Hôm nay thánh sử Matthêu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khá thú vị: một người Cha có hai người con. Một hôm ông nói với hai con rằng: hôm nay các con đi làm vườn nho cho cha! Hai người con đã đáp lại bằng hai thái độ khác nhau; người con thứ nhất đã nói “không” trước lời mời gọi của Cha: “không, con không đi”. Nhưng sau đó, anh ta nghĩ lại rồi quyết định đi. Ngược lại, người con thứ hai, đã tỏ ra lễ phép và vâng phục: “Thưa cha, con sẽ đi”, nhưng rồi không đi, anh chỉ nói mà không làm.
         Qua câu chuyện trên, ai cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì. Ngài muốn nói với chúng ta: muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có” ngoài môi miệng, mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con trong câu chuyện trên, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha mình. Tuy nhiên, người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói không, rồi sau đó anh đã đi làm theo ý Cha. Phải chăng qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn tìm một người con thứ ba, nói đi làm là làm ngay, để làm đẹp lòng Cha mọi đàng!
Trước hết, chúng ta cùng quan sát người con thứ hai. Anh ta khi nghe cha bảo đi làm vườn nho, liền thưa “Vâng” thật mau mắn, nhưng cuối cùng anh ta chẳng làm gì. Thái độ của anh chắc chắn không đẹp lòng cha, bởi lẽ lời hứa không bao giờ thay thế được những nghĩa cử. Người con thứ hai này tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời: Thưa vâng, nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Đạo Kitô dạy các tín hữu thực hành chứ không phải hứa hẹn. Người kitô hữu đích thật là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng, là người chấp nhận mệnh lệnh và thi hành trọn vẹn, nói làm là làm ngay.
Ngày nay, người ta thường nói: “con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”. Người kitô hữu chúng ta vẫn có nguy cơ rơi vào một thứ “duy tâm” nào đó. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai, rồi dừng lại đó, khômg dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, phải từ bỏ. Có câu chuyện vui như sau:
Tại một giáo xứ nọ, cứ mỗi năm có một chủ đề sống. Chủ đề năm ấy là “Mau mắn quảng đại chia sẻ cho người nghèo”. Vào dịp đầu năm mới, Cha xứ muốn mỗi người nói lên quyết tâm của mình trong ngày đầu năm, Ngài hỏi một người trong cộng đoàn:
·        Ông Hai! Ông có sẵn sàng sống bác ái chia sẻ theo chủ đề của Giáo xứ không?
·        Vâng! Con nhất trí ạ! Oâng Hai trả lời.
·        Vậy, nếu ông có hai con bò, ông sẽ góp quỹ tặng cho người nghèo một con chứ?
·        Ông Hai hiên ngang trả lời trước Cha xứ và cộng đoàn: Đương nhiên rồi thưa Cha!
·        Nếu ông có hai căn nhà, ông hứa dâng một căn cho Giáo xứ chứ!
·        Ông dõng dạc tuyên bố: Bảo đảm trăm phần trăm, thưa Cha.
·        Nếu ông có hai con gà, ông sẽ nhường lại cho người nghèo một con, phải không?
·        Ồ, không được, thưa Cha.
·        Cha xứ ngạc nhiên hỏi: Sao vậy? Tôi không hiểu. Sao nãy giờ, ông luôn nói đồng ý mà bây giờ, ông lại nói không?
·        Ông Hai thành thực thú nhận: Những thứ trước, Cha hỏi, nhà con không có, còn gà, nhà con có nhiều ạ!
Thế đó, ông Hai đã sẵn sàng nói sống bác ái, nhưng với những gì không đụng chạm đến cuộc sống của ông. Còn nếu việc bác ái đó cần đến một sự hy sinh nào đó của chính bản thân, cho dù đó chỉ là một con gà, thì ông không dám. Hình ảnh người con thứ hai và ông Hai trong câu chuyện trên đây, có lẽ một cách nào đó, đây cũng là hình ảnh của mỗi một chúng ta. Chúng ta vẫn lớn tiếng tuyên xưng rằng mình mến Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình trong Nhà Thờ này, nhưng khi trở về trong cuộc sống, có lẽ chúng ta chưa thực sự sống bác ái như Chúa muốn. Chúng ta còn quá nhiều ganh tị, hờn ghét, lười biếng, đam mê và ích kỷ. Chúng ta còn mang cái tôi nặng nề với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho chính mình. Để rồi chúng ta hứa hẹn thì thật nhiều mà chưa sống được bao nhiêu.
Còn người con thứ nhất mặc dù đã trả lời “Không”, nhưng sau đó, anh ta đã hối hận và đã ra đi. Đó là thái độ đẹp lòng cha hơn. Trong thân phận con người, với kinh nghiệm của bản thân, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng, con người của chúng ta thật là yếu đuối, bất toàn. Biết bao điều lầm lỡ, yếu đuối chúng ta không muốn mà chúng ta vẫn làm. Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc chúng ta. Ngài vẫn chờ chúng ta trở về để cứu sống chúng ta, như lời Ngài nói qua miệng ngôn sứ Êdêkien mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chứ không phải chết”. Người con thứ nhất đã nói “Không” trước lời mời gọi của Cha, nhưng sau đó anh ta đã hối hận và ra đi làm vườn nho. Thái độ của người con thứ nhất này phần nào làm thoả mãn lòng Cha. Tuy nhiên, thái độ đẹp lòng Cha hơn cả có lẽ đó là thái độ của người con thứ ba, nói là làm ngay. Hình ảnh của người con thứ ba này được thánh Phaolô mô tả tỉ mỉ trong thư gởi tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô nói: “Người tuy là thân phận Thiên Chúa,… nhưng đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Đó mới đúng là người con đẹp lòng Cha nhất. Người con này đã thưa: “Này con xin đến, … để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa” và đã thực hiện mọi sự đúng theo ý muốn của Cha cho dù phải uống chén đắng thập giá. Chính Chúa Cha đã nhiều lần xác nhận: “Này là Con chí ái Ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn sống theo gương mẫu của Đức Kitô, Nghĩa là chúng ta hãy can đảm thưa “Vâng” trước lời mời gọi của Chúa và sống đúng với lời thưa vâng đó. Như thế, Thánh Lễ không kết thúc ở Nhà Thờ này, nhưng sẽ được tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta, trong đời sống vâng phục, chia sẻ, bác ái hàng ngày của chúng ta. Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A

Chuyện: Con đại bàng chết vì ganh tị.
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một con con đại bàng ganh tị gặp một người xạ thủ bắn chim. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Anh xạ thủ đáp: Được, nhưng tôi không còn mũi tên nào nữa.
Con đại bàng ganh tị nhổ một cọnglông cánh đưa cho anh xạ thủ làm mũi tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm giết đối thủ cho kỳ được, con đại bàng ganh tị nhổ thêm cọng lông nữa, rồi một cọng lông nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Anh xạ thủ không bắn được con kia, nên bèn bắt lấy con đại bàng ganh tị trụi cánh, về làm thịt !
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Người có tính ghen tị không bao giờ bằng lòng với chính mình, với cái mình đang có. Luôn so sánh với người khác, để đua đòi, so đo phân bì, rồi đâm ra tự ái bất mãn…
Đó cũng là tính xấu của những công nhân làm vườn từ sáng sớm, mà chúng ta vừa nghe Chúa nói trong dụ ngôn hôm nay. Thay vì biết ơn ông chủ đã tạo công ăn việc làm cho mình từ sáng sớm, họ lại cằn nhằn ông chủ, không phải vì ông bất công với họ (họ vẫn được trả lương đầy đủ theo hợp đồng),  nhưng vì ông đã hào phóng trả cho những người làm việc ít giờ hơn, số tiền bằng họ. Thật là oái oăm: Họ ghen tức vì ông chủ quá tốt bụng !
" Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?  (Mt 20,14-15).
Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa vừa công bằng với người làm việc từ sáng sớm, vừa  hào hiệp quảng đại rộng lượng với người tới sau. Dụ ngôn đồng thời cho thấy  tâm địa hẹp hòi ích kỷ của con người :  so đo tính toán, tị hiềm nhỏ nhen. Đó là tính xấu GHEN TỊ.
Kẻ ghen tị coi thành công và vinh dự của người khác là một sĩ nhục, một khiêu khích trêu chọc đối với mình, một đe doạ cho chỗ đứng của mình…
Kẻ ghen tị  quạnh cọ, cay cú, buồn bực, lườm nguýt, tìm đủ mọi cách truất phế,khi thấy người khác thành công; ngược lại  vui mừng phở lỡ khi thấy người ta thất bại, rủi ro xui xẻo.
Kẻ ghen tị luôn bị dày vò xâu xé, không chỉ vì thất bại của bản thân, mà còn vì thành công của kẻ khác. Họ tìm đủ mưu kế mánh mung để phá phách, hạ bệ, bêu nhục, gièm pha, vu khống, bôi bẩn, xỏ xiêng…    hòng  dìm kẻ khác xuống và tìm cách đưa mình nổi lên. Trâu buộc thì ghét trâu ăn, quan võ thì ghét quan văn dài quần.
Chiến thuật của người ghen tị là :
1- cầu mong, ao uớc người khác đừng thành công;
2- không giúp người khác, kẻo họ ngang hàng bằng mình;
3- phá hoại công việc của người khác cho họ thua kém mình.
Do đó, kẻ ghen tị rất thích được tâng bốc, nịnh hót, nâng bi, tiền hô hậu ủng, thích ăn mày tiếng khen và sợ tiếng chê, luôn tự hào tự phụ "ta đây hơn người".
 Kính thưa quý ông bà và anh chị em ! Ông tổ của tính ghen tị là tướng quỷ LUXIPHE, muốn  hơn cả Thiên Chúa.
GHEN TỊ là một tính rất xấu, cần phải  thẳng tay loại bỏ, bằng cách :
+ mỗi người biết bằng lòng với chính mình, với cái mình đang có.
Không so sánh với người khác, để khỏi mặc cảm tự tôn  (ta hơn người, rồi khinh dễ họ), để khỏi mặc cảm tự ti  (ta thua người, rồi đâm ra bất mãn, tự ái…).
Chấp nhận thực tế cuộc đời : mỗi thánh mỗi thể,mỗi người mỗi vẻ. Trăm hoa đua nở.
Không nhìn lên để đua đòi hay so đo phân bì;  nhưng nhìn xuống để cảm thương chia sẻ.
+ khiêm nhượng với tha nhân:  "Anh em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác " (Pl 2,3-4).
+ Quảng đại phục vụ một cách vô vụ lợi :  " Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa" (1 Pr 4,10).
+ có lòng từ tâm trắc ẩn : vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15).
+ có tinh thần liên đới : "Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung " ( 1 Cr 12,26;  2 Cr 11,29-30). Nhất là cảm ơn Thiên Chúa và sống khiêm nhượng: Tất cả đều là ơn Chúa.
Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1 Cr 15,10); Chính vì vô ơn không nhận ra hồng ân của Thiên Chúa trong đời mình, mà con người sống vô tình và vô tâm, ghen tị với người khác :  Ca-in  giết chết em là A-ben; người anh cả không chịu tha thứ để vào dự tiệc vui mừng đứa em bụi đời trở về; người Pha-ri-sêu ghen tức với người tội lỗi  Chúa Giê-su kết thân; 10 ông tông đồ phẫn uất bất bình với 2 anh em Gia-cô-bê và Gioan; người làm việc từ sáng sớm ghen tị với kẻ chỉ làm một giờ đồng hồ.
Chỉ khi nào cảm nhận được lòng tốt của Thiên Chúa nơi bản thân mình, chúng ta mới không còn ghen tị với anh chị em;
Chỉ khi nào thấy muôn vàn phúc lộc Chúa đã ban cho mình, rồi nhìn xem bao niềm đau nổi khổ  người khác phải chịu,  chúng ta sẽ không còn lý do để mà ghen tị nữa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con quả tim quảng đại của Chúa, để con vượt thắng mọi ích kỷ bon chen nhỏ nhen ti tiện, và từ bỏ tham vọng "hơn người" để chỉ cố gắng "nên người". Amen                                             
Gs.   Phan Văn Quyền.


CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Mt 20,1-16a
Chuyện kể rằng có nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội.
Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh và nói: "Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta không nỡ chối từ. Thôi thì bây giờ cứ cho ta biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho... và đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng xóm của ngươi như thế... và có khi gấp đôi luôn".
Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng hân hoan qua sầu buồn lo lắng. Anh tự nhủ: "Nếu bây giờ mình xin một chiếc hơi thì mấy thằng bạn...chúng nó sẽ được hai chiếc. Ái dà, thế thì không được! Nhưng nếu mình xin cho được trúng số 1tỷ thì mấy nhà hàng xóm... họ sẽ được tới 2 tỷ. Thế lại càng không được! Còn nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là chưa nói tới chuyện chúng nó được hai vợ, còn mình chỉ có một... Thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng xin như thế thì làm sao mà hơn được".
Chàng thương gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau, chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với thần: "Lạy ngài, xin vui lòng cho tôi đui một con mắt".
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Vì hẹp hòi ích kỷ nên con người không muốn kẻ khác hơn mình. Chàng thương gia trong câu chuyện trên vì không muốn người khác hơn mình nên đã xin cho được mù một mắt để người khác mù cả hai mắt luôn. Bao xúc phạm nhân phẩm, bao tổn thương tình người, bao xào xáo phân ly cũng phát xuất từ tính chất ghen tuông, tiểu tâm và đố kỵ đó.
Kinh thánh ghi nhận không ít những tình trạng như thế. Các luật sĩ và biệt phái đã bất bình uất ức khi thấy Chúa Giêsu ngồi ăn với những người thu thuế. Họ cũng càm ràm khó chịu khi thấy Chúa xử sự khoan dung với người phụ nữ tội lỗi nhất trong thành. Chưa hết, mười hai tông đồ thân tín của Đức Kitô cũng không tránh khỏi tâm địa con người. Bỏ tất cả mọi sự theo Chúa, bất chấp nắng mưa, cực nhọc, túng thiếu. Ăn ở với nhau rất đề huề. Bỗng, một người đàn bà đến xin cho hai ông Gioan và Giacôbê được ngồi hai bên tả hữu Chúa khi Ngài khải hoàn vinh quang. Thế là sinh chuyện. Mười ông còn lại phẫn uất với anh em con nhà Giêbêđê khiến Chúa Giêsu phải ra tay can thiệp, dạy các ông bài học khiêm nhường, yêu thương, và quên mình vì người khác.
Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” cũng là một minh họa cho bản chất ích kỷ nơi con người. Đứa em ăn chơi phung phí, phá tan sản nghiệp, giao du với đàng điếm, làm bại hoại gia phong, nhưng dường như người anh không bận tâm. Nó đi bụi đời, sống chết mặc nó! Đời mình cứ êm trôi. Bỗng nhiên, đứa em trở về. Được đón tiếp linh đình. Anh phẫn uất. Nỗi bất bình gia tăng đến mức anh cắt đứt quan hệ cha con, anh em. Anh tuyên bố: “Thằng con của ông”. “Ông” chứ không phải “cha”, “con của ông” chứ chẳng còn “em của tôi” nữa. Tình người bị cắt đứt. Và khi tình người bị cắt đứt, người ta đâu còn nghĩ đến chuyện thương nhau: lo cho nhau khi gặp rủi ro, mừng với nhau khi được may mắn. Thiếu tình người nên kẻ làm vườn từ sáng sớm không sao hình dung được hoàn cảnh thê lương của người thất nghiệp hay thiếu việc. Không hiểu được tâm trạng lo lắng của người phải kiếm miếng ăn cho vợ con. Không chia sẽ được niềm vui của những gia đình có bữa cơm chiều hân hoan đầm ấm.
Kính thưa anh chị em!
Nhưng tại sao người ta lại thiếu “tình người” như thế? Thiết tưởng, câu trả lời đúng nhất là vì họ vô ơn, không nhận ra được tình Chúa. Như trong Tin Mừng hôm nay kể lại, vì không nhận thức được ơn phúc chủ ban khi kêu mình vào vườn nho từ sáng sớm, tránh được biết bao lắng lo, khổ tâm của một kẻ chờ chực đầu đường cuối chợ, nên hạng thợ buổi sáng đã không cảm thông xót thương cho hạng thợ buổi chiều. Nếu họ được trả một đồng, còn mấy người vào sau chỉ được 25 hay 50 xu thôi thì chắc hài lòng lắm. “Nếu bọn kia được một đồng thì ta phải được một đồng hơn,” nghĩ thế nên họ bất an khi người khác được như mình.
Đúng là thiếu nhận thức tình Chúa, sẽ chẳng có tình người. Khi vô ơn thì cũng dễ vô tình vô tâm. Thế nên, để sống hạnh phúc hơn trong đời, tôi phải ngước nhìn để khám phá tình Chúa yêu tôi: không nhìn lên với phân bì so đo, nhưng nhìn xuống với cảm thương san sẻ. Nếu hôm nay tôi còn chưa thoả mãn với cuộc đời, còn bất an với sự may mắn của người khác, còn vô tình trước ơn Chúa, thì hãy nhìn lại mình coi, có cái gì mà tôi không lãnh nhận? Từ mạng sống của tôi và hết những gì tôi có đều là ơn Chúa ban. Có nhận thức được như thế, cuộc sống mới dễ chịu hơn, biết yêu thương tha nhân hơn và thêm lòng mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

BÁO TIN

TRƯA HÔM NAY (15/9/2011) TẠI NHÀ THỜ CÂY ĐA, NƠI CHA FX. HỒ VĂN UYỂN QUẢN XỨ, CÓ CUỘC HỘI NGỘ CỦA ANH EM TRONG LỚP MẸ SẦU BI. KÍNH MỜI ANH EM THAM DỰ.

MỪNG BỔN MẠNG LỚP

Lớp Đức Mẹ Sầu Bi Mừng Bổn Mạng Ngày 15 Tháng 09.

1.    Bar. Trần Đình Phục
2.    Ben. Nguyễn Văn Bình
3.    Dom. Phan Châu Bảo
4.    Fx. Hồ Văn Uyển
5.    Fx. Trần Anh Duy
6.    Fx. Nguyễn Văn Thành
7.    Fx. Trần An
8.    GB. Nguyễn Hiệp
9.    GB. Võ Quang Khải
10.                      GB. Châu Ngọc Minh
11.                      Gc. Trần Tấn Việt
12.                      Gs. Lê Thiện Thuật
13.                      Gs. Đăng Văn Niên
14.                      Gs. Nguyễn Văn Tiến
15.                      Gs. Phan Văn Quyền
16.                      Gs. Võ Văn Dũng
17.                      Hr. Lê Đình Hùng
18.                      Mc. Đỗ Huy Nhật Quỳnh
19.                      Pl. Nguyễn Văn Hiệu
20.                      Pl. Trần Văn Quang
21.                      Pl. Trương Minh Tiên
22.                      Pr. Hoàng Minh Tuân
23.                      Pr. Nguyễn Ngọc Thanh
24.                      Pr. Nguyễn Tri Pháp
25.                      Pr. Nguyễn Văn Phươc
26.                      Phil. Hoàng Linh
27.                      Phil. Nguyễn Văn Hoàng
28.                      Sm. Hứa Thánh Tuyên
29.                      Tm. Võ Văn Danh
30.                      Pr. Trần Thái Vạn

Anh em thân mến! Thắm thoát 13 năm trôi qua nhìn lại chặn đường đã đi chúng ta cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban cho.
Lớp chúng ta chọn lễ Mẹ Sầu Bi làm bổn mạng là đúng ngày chúng ta vào Chủng Viện. Ngày 15/ 09/ 1998, một ngày đáng nhớ trong cuộc đời. Lễ Đức Mẹ Sầu Bi Hội thánh mời gọi chúng ta tưởng niệm những sự thương khó của Đức Maria, vì Mẹ đã thông phần đau khổ với Con Mẹ,  và cộng tác với Người trong công cuộc cứu rỗi nhân loại.
Từ khi Mẹ cất tiếng xin vâng  là Mẹ đón nhận Thập Giá.
Thập Giá đời Mẹ, Mẹ phải từ bỏ ước mơ, ý riêng để thuận theo ý Chúa, gánh chịu sự buồn phiền, nghi vấn của người bạn đã đính hôn “ Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo ” (Mt.1,19).
 Thập Giá đời Mẹ; Ngày Mẹ sinh con, đây là con Thiên Chúa như lời Sứ Thần tiên báo, Mẹ lại sinh con nơi hang lừa trong khó khăn, thiếu thốn trăm bề sau khi bị từ chối sự giúp đỡ của những người đồng hương, những con người có điều kiện nơi vùng đất đô hội thời bấy giờ (x, Lc.2, 1-7).
Thập Giá đời Mẹ; Ngày dâng Hài Nhi Giêsu lên đền thờ, Mẹ gánh chịu lời tiên báo những điềm xấu cho cả con lẫn mẹ (x,Lc.2,33-35).
Thập Giá đời Mẹ; Niềm vui và hạnh phúc đang dâng trào, Mẹ đón nhận tin chẳng lành, vội vã cùng người bạn đời lên đường lúc đêm khuya giá lạnh đưa con đi lánh nạn nơi đất khách quê người, trong sự thiếu thốn, khó nghèo vì Hê-rô-đê tìm giết con yêu.(x,Mt.2,13-15).
Thập Giá đời Mẹ; Cả gia đình hân hoan trẩy hội đền thờ, nhưng niềm hân hoan chợt tắt khi trở về Mẹ lạc mất con, Mẹ đã lặn lội trong đau khổ buồn phiền, đói khát, sau ba ngày Mẹ mới tìm thấy con yêu (x,Lc.2,41-48).
Thập Giá đời Mẹ; Âm thầm lặng lẽ theo con từng bước khi con lên đường thi hành sứ vụ, hạnh phúc khi thấy con yêu thương, dạy dỗ điều tốt cho mọi người, vui vì con đem lại hạnh phúc cho những người khổ đau, Mẹ đang thả hồn theo lời cảm tạ và nguyện cầu cùng Thiên Chúa chúc phúc cho những công việc tốt đẹp của con. Bỗng dưng, trời đất như sụp đổ, đôi chân đã già yếu theo tuổi đời, mệt mỏi sau những ngày theo con rong ruổi khắp nơi, giờ đây như muốn ngã quỵ khi nghe tin vua quan trần gian kết án tử cho con mình ( x,Ga.19,12-18).
Thập Giá đời Mẹ; Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau, khi Mẹ gặp con mình trên đường Thập Giá, chứng kiến cảnh con yêu bị hành hình một cách nhục nhã, nhục hình Thập Giá chỉ dành cho những thành phần người trộm cướp, giết người.
Thập Giá đời Mẹ; Ngày mà đôi tay Mẹ ẵm Hài Nhi Giêsu, tuy khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy niềm hạnh phúc, đây là niềm vui lớn nhất của người phụ nữ khi đón nhận Thiên Chức làm mẹ, giờ đây cũng đôi tay giở đã gầy guộc vì tuổi già ẵm lấy xác con yêu người không ra hình người vì sự tra tấn dã man của nhân loại, hơi thở, giọng nói giờ cũng không còn, còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi Mẹ phải xa lìa con?( x, Lc 23.28-34) .
Thập Giá đời Mẹ; Ngày con được sinh ra tuy là trong hang bò lừa của những chú mục đồng nhưng ánh mắt, nụ cười, của con yêu đem lại cho Mẹ niềm vui và hạnh phúc, giờ đây cũng chính thân xác con yêu sau khi đã nhận sự trả ơn của nhân loại một cách tàn nhẫn, giờ được táng trong mồ, ngôi mồ mượn tạm của người. Mẹ đau đớn biết là dường nào(x,Lc.23,50-55).
 Anh em thân thân mến ! Trên cánh đồng mục vụ, chắc chắn anh em chúng ta cũng gặp phải như Mẹ đó là: những đau khổ mà Mẹ đã gặp, những đắng cay mà Mẹ đã nếm, những buồn sầu mà Mẹ đã chịu và sự cô đơn trống vắng,  mất mát mà Mẹ đã kinh qua... Dầu cho bước ngoặt thăng trầm mà con cái Mẹ gặp phải nhưng Mẹ luôn ủi an, nâng đỡ, che chở và giữ gìn chúng ta.
Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin Mẹ cho anh em linh mục chúng con luôn nở lên những cánh hoa của yêu thương và phục vụ.
Giữa một một thế giới đang có chiến tranh, khủng bố và hận thù, xin Mẹ cho anh em linh mục chúng con nở lên những bông hoa của hòa bình, bao dung và tha thứ.
Giữa một thế giới đang lay nhiễm nền văn hóa sự chết, xin Mẹ cho cuộc đời linh mục chúng con nở ra những bông hoa của sự sống.
Lạy Chúa, khi Đức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin Chúa cho anh em trong lớp chúng con biết noi gương Mẹ mà kết hiệp với Chúa Kitô chịu đau khổ, để mai ngày cùng Mẹ hưởng vinh phúc Nước Trời. Amen.
                                                                Lm. Giuse Phan Văn Quyền.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A
Mt 16, 13-20

Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
  Sau một thời gian dài rao giảng, danh tiếng của Chúa Giêsu đã bắt đầu vang dội trong dân. Có những người đánh giá Ngài rất cao, họ coi Ngài như một Ngôn Sứ có tầm cở như Êlia hay Giêrêmia là những ngôn sứ nổi danh bậc nhất trong lịch sử Dothái. Trái lại cũng có những đối thủ lại coi Ngài như một người Samari lạc đạo, như một người bị quỷ nhập, như một tên phỉnh gạt hay một tay xách động dân chúng… Riêng đối với các môn đệ thân tín bên Chúa Giêsu, chắc hẳn các ông đã biết rõ Ngài hơn. Chúa Giêsu muốn các môn đệ xác định nhận thức của họ về Ngài. Dân chúng thì nghĩ về Thầy như thế, còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?
Đức Giêsu là ai đối với các môn đệ quả thật là điều hệ trọng, vì nó xác định mối tương quan thật sự giữa họ và Thầy mình. Điều nầy đã trở nên cốt thiết đến nỗi nó sẽ chi phối toàn thể cung cách sống và hoạt động của các môn đệ. Nếu người môn đệ không biết Đức Giêsu thực sự là ai thì mọi nỗ lực theo Thầy đều không có nền tảng vững chắc. Và vì thế họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thử thách. Do đó, Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với việc các môn đệ đi theo Ngài, hay họ đã nhận được điều nầy điều nọ nơi Ngài, mà Ngài phải là ai đối với họ.
Đức Giêsu thực sự là ai ? Câu trả lời chính xác vẫn không nằm trong tầm tay của con người mà chỉ có ân sủng mới cho ta lời giải đáp trọn vẹn. Lời tuyên tín của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không phải là thành quả của việc tổng kết các lời nói việc làm của Đức Giêsu dẫn Phêrô đến chỗ khám phá ra chân tính của Đức Giêsu, mà là một tác động thần linh đã soi tỏ cho Phêrô biết. “Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Để nghiệm được điều đó, đón nhận được mầu nhiệm ấy, không chỉ cần khiêm tốn của trí tuệ mà cần nhận được mặc khải từ nơi Thiên Chúa. “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Quả thật, Đức Giêsu không chỉ là một tôn sư khởi xướng một trào lưu tâm linh; Người không phải một ngôn sứ được sai đến để cảnh tỉnh hoặc kêu gọi người ta trưởng thành với giao ước. Sự nhận biết Đức Giêsu vượt quá điều đó. Với những kẻ Chúa gọi và đã đi theo Ngài, Chúa đặt câu hỏi: Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?
Hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta câu đó: Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai? Chúa Giêsu muốn chúng ta khám phá ra bản ngã đích thực của Ngài. Chúng ta không thể tự thoả mãn khoác cho Ngài những mong ước của mình, hoặc phóng lên Ngài những ước vọng của ta. Chúng ta không thể bằng lòng với những gì mà trí tuệ cho chúng ta hiểu biết về Ngài. Cần phải chấp nhận rằng không thể nắm bắt và không thể tóm gọn Ngài vào những ý tưởng và những ước muốn của ta. Bởi vì, sự hiểu biết đích thật về Đức Giêsu không thể do sức con người, nhưng do Thiên Chúa ban: "Không ai có thể biết Chúa Con chỉ trừ Chúa Cha”. Do đó, Đức Giêsu nói cho Phêrô biết bởi đâu mà ông có sức lực nhận biết và tuyên xưng đức tin của ông: "Simon con Jona, anh thật có phúc, vì không phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho anh điều đó, nhưng là chính Cha Thầy, đấng ngự trên trời”. Chính Phêrô nhận từ Thiên Chúa quyền kêu đích danh xác thật của Đức Giêsu, vì thế lời tuyên xưng của ông đã trở thành tiêu chuẩn về sự chính xác cho mọi lời tuyên xưng đức tin và cho sự nhận biết xác thật về Thiên Chúa.
Kính thưa anh chị em!
Đức Giêsu là ai đối với tôi? Câu hỏi ấy vẫn mãi vang lên trong Hội Thánh và giữa mỗi người chúng ta. Không biết Đức Giêsu và không biết Ngài là ai đối với mình thì mọi chức vụ đều vô nghĩa, việc giữ đạo và tế lễ chỉ là bùa chú, mê muội. Người ta không thể yêu mến người mà mình không biết. Có biết Đức Giêsu và yêu mến Ngài chúng ta mới có thể sống tận cùng vì Ngài và cho Ngài.
Để biết Đức Giêsu, chúng ta sẽ phải tìm kiếm Ngài, hiểu biết Ngài và nhất là gặp gỡ Ngài. Nhờ những giờ phút gần gũi, những khoảnh khắc lắng nghe Lời Ngài, những thời gian sống cho Ngài, chúng ta sẽ có được một kinh nghiệm, một tương quan cá vị, và điều này sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ với Ngài.
Đức Giêsu là ai đối với tôi? Câu hỏi đó dành cho chính mỗi người chúng ta. Mỗi người phải tự mình trả lời câu hỏi đó. Không thể lấy lại những gì đã nghe người khác nói về Ngài còn bản thân mình thì chưa biết Ngài. Tệ hơn nữa nếu chúng ta vẫn cứ tuyên xưng một cách máy móc rằng: Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống mà thực sự chẳng hề quan tâm Ngài là ai đối với mình, chẳng hề hiểu về Ngài và chẳng hề sống lòng tin của mình. Để cảm nghiệm được Đức Giêsu là ai đối với tôi, chúng ta cần phải đi lại hành trình khám phá Đức Giêsu bằng những sợi dây nối kết chúng ta với Ngài là Lời Chúa và các Bí tích, hơn là bằng lòng với những gì người khác nói cho ta về Ngài.
Lời Chúc phúc cho Phêrô hôm nay cũng sẽ là lời chúc phúc cho tất cả những ai nhận thực Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để rồi thể hiện rõ nét trong đời sống của mình lời tuyên xưng đó. Ước gì cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành một câu trả lời sống động cho Chúa Giêsu, cho anh chị em và cùng với anh chị em, trả lời cho nhân loại ngày nay rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống và là Đấng Cứu Độ duy nhất, Ngài đang có mặt ở giữa nhân loại chúng ta. Amen.

Lm. Phaolô Trần Văn Quang
Sưu tầm và tổng hợp