Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A

Chuyện: Con đại bàng chết vì ganh tị.
Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một con con đại bàng ganh tị gặp một người xạ thủ bắn chim. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Anh xạ thủ đáp: Được, nhưng tôi không còn mũi tên nào nữa.
Con đại bàng ganh tị nhổ một cọnglông cánh đưa cho anh xạ thủ làm mũi tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm giết đối thủ cho kỳ được, con đại bàng ganh tị nhổ thêm cọng lông nữa, rồi một cọng lông nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Anh xạ thủ không bắn được con kia, nên bèn bắt lấy con đại bàng ganh tị trụi cánh, về làm thịt !
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Người có tính ghen tị không bao giờ bằng lòng với chính mình, với cái mình đang có. Luôn so sánh với người khác, để đua đòi, so đo phân bì, rồi đâm ra tự ái bất mãn…
Đó cũng là tính xấu của những công nhân làm vườn từ sáng sớm, mà chúng ta vừa nghe Chúa nói trong dụ ngôn hôm nay. Thay vì biết ơn ông chủ đã tạo công ăn việc làm cho mình từ sáng sớm, họ lại cằn nhằn ông chủ, không phải vì ông bất công với họ (họ vẫn được trả lương đầy đủ theo hợp đồng),  nhưng vì ông đã hào phóng trả cho những người làm việc ít giờ hơn, số tiền bằng họ. Thật là oái oăm: Họ ghen tức vì ông chủ quá tốt bụng !
" Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?  (Mt 20,14-15).
Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa vừa công bằng với người làm việc từ sáng sớm, vừa  hào hiệp quảng đại rộng lượng với người tới sau. Dụ ngôn đồng thời cho thấy  tâm địa hẹp hòi ích kỷ của con người :  so đo tính toán, tị hiềm nhỏ nhen. Đó là tính xấu GHEN TỊ.
Kẻ ghen tị coi thành công và vinh dự của người khác là một sĩ nhục, một khiêu khích trêu chọc đối với mình, một đe doạ cho chỗ đứng của mình…
Kẻ ghen tị  quạnh cọ, cay cú, buồn bực, lườm nguýt, tìm đủ mọi cách truất phế,khi thấy người khác thành công; ngược lại  vui mừng phở lỡ khi thấy người ta thất bại, rủi ro xui xẻo.
Kẻ ghen tị luôn bị dày vò xâu xé, không chỉ vì thất bại của bản thân, mà còn vì thành công của kẻ khác. Họ tìm đủ mưu kế mánh mung để phá phách, hạ bệ, bêu nhục, gièm pha, vu khống, bôi bẩn, xỏ xiêng…    hòng  dìm kẻ khác xuống và tìm cách đưa mình nổi lên. Trâu buộc thì ghét trâu ăn, quan võ thì ghét quan văn dài quần.
Chiến thuật của người ghen tị là :
1- cầu mong, ao uớc người khác đừng thành công;
2- không giúp người khác, kẻo họ ngang hàng bằng mình;
3- phá hoại công việc của người khác cho họ thua kém mình.
Do đó, kẻ ghen tị rất thích được tâng bốc, nịnh hót, nâng bi, tiền hô hậu ủng, thích ăn mày tiếng khen và sợ tiếng chê, luôn tự hào tự phụ "ta đây hơn người".
 Kính thưa quý ông bà và anh chị em ! Ông tổ của tính ghen tị là tướng quỷ LUXIPHE, muốn  hơn cả Thiên Chúa.
GHEN TỊ là một tính rất xấu, cần phải  thẳng tay loại bỏ, bằng cách :
+ mỗi người biết bằng lòng với chính mình, với cái mình đang có.
Không so sánh với người khác, để khỏi mặc cảm tự tôn  (ta hơn người, rồi khinh dễ họ), để khỏi mặc cảm tự ti  (ta thua người, rồi đâm ra bất mãn, tự ái…).
Chấp nhận thực tế cuộc đời : mỗi thánh mỗi thể,mỗi người mỗi vẻ. Trăm hoa đua nở.
Không nhìn lên để đua đòi hay so đo phân bì;  nhưng nhìn xuống để cảm thương chia sẻ.
+ khiêm nhượng với tha nhân:  "Anh em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác " (Pl 2,3-4).
+ Quảng đại phục vụ một cách vô vụ lợi :  " Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa" (1 Pr 4,10).
+ có lòng từ tâm trắc ẩn : vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15).
+ có tinh thần liên đới : "Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung " ( 1 Cr 12,26;  2 Cr 11,29-30). Nhất là cảm ơn Thiên Chúa và sống khiêm nhượng: Tất cả đều là ơn Chúa.
Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1 Cr 15,10); Chính vì vô ơn không nhận ra hồng ân của Thiên Chúa trong đời mình, mà con người sống vô tình và vô tâm, ghen tị với người khác :  Ca-in  giết chết em là A-ben; người anh cả không chịu tha thứ để vào dự tiệc vui mừng đứa em bụi đời trở về; người Pha-ri-sêu ghen tức với người tội lỗi  Chúa Giê-su kết thân; 10 ông tông đồ phẫn uất bất bình với 2 anh em Gia-cô-bê và Gioan; người làm việc từ sáng sớm ghen tị với kẻ chỉ làm một giờ đồng hồ.
Chỉ khi nào cảm nhận được lòng tốt của Thiên Chúa nơi bản thân mình, chúng ta mới không còn ghen tị với anh chị em;
Chỉ khi nào thấy muôn vàn phúc lộc Chúa đã ban cho mình, rồi nhìn xem bao niềm đau nổi khổ  người khác phải chịu,  chúng ta sẽ không còn lý do để mà ghen tị nữa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con quả tim quảng đại của Chúa, để con vượt thắng mọi ích kỷ bon chen nhỏ nhen ti tiện, và từ bỏ tham vọng "hơn người" để chỉ cố gắng "nên người". Amen                                             
Gs.   Phan Văn Quyền.


CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Mt 20,1-16a
Chuyện kể rằng có nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội.
Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh và nói: "Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta không nỡ chối từ. Thôi thì bây giờ cứ cho ta biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho... và đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng xóm của ngươi như thế... và có khi gấp đôi luôn".
Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng hân hoan qua sầu buồn lo lắng. Anh tự nhủ: "Nếu bây giờ mình xin một chiếc hơi thì mấy thằng bạn...chúng nó sẽ được hai chiếc. Ái dà, thế thì không được! Nhưng nếu mình xin cho được trúng số 1tỷ thì mấy nhà hàng xóm... họ sẽ được tới 2 tỷ. Thế lại càng không được! Còn nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình. Đó là chưa nói tới chuyện chúng nó được hai vợ, còn mình chỉ có một... Thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng xin như thế thì làm sao mà hơn được".
Chàng thương gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau, chợt anh ta reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với thần: "Lạy ngài, xin vui lòng cho tôi đui một con mắt".
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Vì hẹp hòi ích kỷ nên con người không muốn kẻ khác hơn mình. Chàng thương gia trong câu chuyện trên vì không muốn người khác hơn mình nên đã xin cho được mù một mắt để người khác mù cả hai mắt luôn. Bao xúc phạm nhân phẩm, bao tổn thương tình người, bao xào xáo phân ly cũng phát xuất từ tính chất ghen tuông, tiểu tâm và đố kỵ đó.
Kinh thánh ghi nhận không ít những tình trạng như thế. Các luật sĩ và biệt phái đã bất bình uất ức khi thấy Chúa Giêsu ngồi ăn với những người thu thuế. Họ cũng càm ràm khó chịu khi thấy Chúa xử sự khoan dung với người phụ nữ tội lỗi nhất trong thành. Chưa hết, mười hai tông đồ thân tín của Đức Kitô cũng không tránh khỏi tâm địa con người. Bỏ tất cả mọi sự theo Chúa, bất chấp nắng mưa, cực nhọc, túng thiếu. Ăn ở với nhau rất đề huề. Bỗng, một người đàn bà đến xin cho hai ông Gioan và Giacôbê được ngồi hai bên tả hữu Chúa khi Ngài khải hoàn vinh quang. Thế là sinh chuyện. Mười ông còn lại phẫn uất với anh em con nhà Giêbêđê khiến Chúa Giêsu phải ra tay can thiệp, dạy các ông bài học khiêm nhường, yêu thương, và quên mình vì người khác.
Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” cũng là một minh họa cho bản chất ích kỷ nơi con người. Đứa em ăn chơi phung phí, phá tan sản nghiệp, giao du với đàng điếm, làm bại hoại gia phong, nhưng dường như người anh không bận tâm. Nó đi bụi đời, sống chết mặc nó! Đời mình cứ êm trôi. Bỗng nhiên, đứa em trở về. Được đón tiếp linh đình. Anh phẫn uất. Nỗi bất bình gia tăng đến mức anh cắt đứt quan hệ cha con, anh em. Anh tuyên bố: “Thằng con của ông”. “Ông” chứ không phải “cha”, “con của ông” chứ chẳng còn “em của tôi” nữa. Tình người bị cắt đứt. Và khi tình người bị cắt đứt, người ta đâu còn nghĩ đến chuyện thương nhau: lo cho nhau khi gặp rủi ro, mừng với nhau khi được may mắn. Thiếu tình người nên kẻ làm vườn từ sáng sớm không sao hình dung được hoàn cảnh thê lương của người thất nghiệp hay thiếu việc. Không hiểu được tâm trạng lo lắng của người phải kiếm miếng ăn cho vợ con. Không chia sẽ được niềm vui của những gia đình có bữa cơm chiều hân hoan đầm ấm.
Kính thưa anh chị em!
Nhưng tại sao người ta lại thiếu “tình người” như thế? Thiết tưởng, câu trả lời đúng nhất là vì họ vô ơn, không nhận ra được tình Chúa. Như trong Tin Mừng hôm nay kể lại, vì không nhận thức được ơn phúc chủ ban khi kêu mình vào vườn nho từ sáng sớm, tránh được biết bao lắng lo, khổ tâm của một kẻ chờ chực đầu đường cuối chợ, nên hạng thợ buổi sáng đã không cảm thông xót thương cho hạng thợ buổi chiều. Nếu họ được trả một đồng, còn mấy người vào sau chỉ được 25 hay 50 xu thôi thì chắc hài lòng lắm. “Nếu bọn kia được một đồng thì ta phải được một đồng hơn,” nghĩ thế nên họ bất an khi người khác được như mình.
Đúng là thiếu nhận thức tình Chúa, sẽ chẳng có tình người. Khi vô ơn thì cũng dễ vô tình vô tâm. Thế nên, để sống hạnh phúc hơn trong đời, tôi phải ngước nhìn để khám phá tình Chúa yêu tôi: không nhìn lên với phân bì so đo, nhưng nhìn xuống với cảm thương san sẻ. Nếu hôm nay tôi còn chưa thoả mãn với cuộc đời, còn bất an với sự may mắn của người khác, còn vô tình trước ơn Chúa, thì hãy nhìn lại mình coi, có cái gì mà tôi không lãnh nhận? Từ mạng sống của tôi và hết những gì tôi có đều là ơn Chúa ban. Có nhận thức được như thế, cuộc sống mới dễ chịu hơn, biết yêu thương tha nhân hơn và thêm lòng mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét